“Cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong những tuần cuối của năm 2024 được dự báo khó xảy ra.
Sau gần một năm giảm mạnh, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện và lan rộng kể từ nửa cuối tháng 4/2024. Đà tăng của lãi suất kéo dài liên tục đến tháng 8. Nhiều ngân hàng còn ghi nhận diễn biến tăng lãi suất đến 2 – 3 lần trong một tháng. Đáng chú ý như trong tháng 6, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất và hơn một nửa trong số đó tăng lãi suất 2 lần trong tháng.
Kể từ tháng 9, đà tăng đã có dấu hiệu giảm khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Diễn biến này kéo dài đến nửa đầu tháng 11. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây, “sóng” tăng lãi suất tiết kiệm lại bắt đầu có xu hướng lan rộng trở lại.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, 14 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, và VietBank. Đáng chú ý, danh sách các ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm từ 6%/năm hiện lên tới con số 13.
Trái với xu hướng tăng của lãi suất tiết kiệm, mặt bằng lãi suất cho vay duy trì khá ổn định, hoặc giảm ở một số nhà băng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh xuống mức 8%-10%/năm, tùy theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng.
Một số gói vay ưu đãi thậm chí còn có mức lãi suất dưới 7%/năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu, và các ngành nghề ưu tiên.
“Quan sát diễn tiến trên thực tế thị trường tín dụng ngân hàng vào những tuần cuối năm 2024, có thể thấy nhiều ngân hàng thương mại đang tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Thoạt nhìn điều này có vẻ không hợp lý vì trực tiếp ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, tuy nhiên thực tế này lại có thể hiểu được nếu xem xét dưới giác độ thực nghiệm”, TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Khoa Tài chính-Ngân hàng, Đại học Đại Nam nhận định.
Phân tích về xu hướng tăng lãi suất trong thời gian vừa qua, ông Nam cho rằng, khác với nhiều lần tăng lãi suất huy động trước do lạm phát hay thay đổi tỷ giá thì lần này đơn giản là do các ngân hàng thương mại đang thiếu thanh khoản.
Vị này lý giải, hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép giãn nợ đối với khoản vay đến hạn phải trả của một số đối tượng. Có nghĩa là thay vì tiền phải quay về hệ thống để ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiếp thì giờ vẫn đang ở đâu đó trong nền kinh tế.
“Cũng phải nói thêm vòng quay của tiền đồng Việt Nam còn thấp so với nhiều đồng nội tệ của các nền kinh tế cùng trạng thái. Xu hướng này, theo tôi sẽ sớm kết thúc nên sẽ không có câu chuyện đua lãi suất vào những tuần cuối của năm nay”, ông Nam nói thêm.
Bình luận về lãi suất cho vay, ông Nam nhận định: “Trái ngược với lãi suất huy động, nhiều ngân hàng thương mại đang hạ lãi suất đầu ra để đẩy mạnh cho vay. Gần đây nhiều người hay nói về quy mô 670.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng mà hệ thống phải cho vay nhằm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng 15% như kế hoạch”.
Theo ông Nam, hiện tại, các ngân hàng thương mại luôn sẵn sàng cho vay nếu đối tượng đi vay thỏa mãn, đáp ứng đủ điều kiện vay. Và về nguyên tắc, họ sẽ không dám cho vay dưới chuẩn. Càng gần về cuối năm, áp lực mà ngân hàng thương mại phải lấp đầy room tín dụng càng cao vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh năm sau. Đó chính là bản chất vấn đề mà xu hướng giảm lãi suất cho vay đang diễn ra.
“Trên thực tế các ngân hàng sẽ có “cách làm riêng” để đạt chỉ tiêu này vào ngày chốt room của cơ quan quản lý. Như vậy, tăng trưởng tín dụng 15% không có nghĩa là nền kinh tế đón nhận đầy đủ khoảng 670.000 tỷ đồng. Ngay kể cả trong trường hợp như vậy, nếu hàng hóa dịch vụ được sản xuất ra và tiêu dùng hết trong nước và xuất khẩu, vẫn đảm bảo cân đối tiền-hàng, thì cũng không gây ra sức ép lạm phát.
Tóm lại, diễn tiến của lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đang hết sức “bình thường” và sẽ kết thúc vào tuần cuối của năm dương lịch”, vị chuyên gia này phân tích thêm.